Tổng quan về đau đầu:
Đau đầu là rất phổ biến- khoảng 90 % dân số bị đau đầu ở một số thời điểm trong cuộc đời của họ, tuy nhiên, một số người phải đối phó với những cơn đau đầu hoặc đau nửa đầu nặng nề hơn những người khác. Một nửa dân số thế giới đã từng bị một cơn đau đầu nghiêm trọng tại một số điểm, 25 % bị cơn đau đầu dữ dội tái phát, 12% có chứng đau nửa đầu, và 4% bị đau đầu mãn tính hàng ngày.
Đau đầu được chia làm 2 loại sau :
– Đau đầu không phải đau nửa đầu Migraine
– Đau nửa đầu Migraine (Xem thêm thông tin tại đây)
Nhức đầu có thể làm chúng ta khá mệt mỏi, suy nhược, mặc dù hầu hết đau đầu không đe dọa tính mạng.
Phần lớn đau đầu nằm một trong bốn hội chứng sau :
- Đau đầu do căng cơ
- Đau nửa đầu
- Đau đầu mãn tính hàng ngày
- Đau đầu từng cơn theo chu kỳ
Các triệu chứng đau đầu :
Triệu chứng | Migraine headache
Đau nửa đầu |
Tension headache
Đau đầu do căng cơ |
Cluster headache
Đau đầu từng cơn theo chu kỳ |
Vị trí | Đau một bên đầu trong 60-70 % các trường hợp, đau cả hai bên đầu hoặc toàn bộ đầu trong 30 % các trường hợp | Đau cả 2 bên đầu | Luôn đau một bên, thường xung quanh một bên mắt hoặc một bên thái dương. |
Đặc điểm | Khởi phát từ từ, tăng dần với thời gian, theo mạch đập, cường độ trung bình hoặc nặng. Đau tăng lên với các hoạt động thể lực hàng ngày
|
Cảm giác đau như bị đè hoặc siết chặt xung quanh đầu
|
Đau bắt đầu nhanh, đạt đỉnh điểm đau trong vòng vài phút. Đau sâu, liên tục, đau dữ dội và bùng nổ về mức độ |
Hoạt động | Thích nghỉ ngơi trong một căn phòng tối, yên tĩnh. | Có thể duy trì hoạt động hoặc có thể thích nghỉ ngơi | Duy trì hoạt động |
Thời gian đau | 4 đến 72 giờ | Thay đổi | 30 phút đến 3 giờ |
Các triệu chứng di kèm | Buồn nôn, nôn, sợ ánh sáng, sợ tiếng ồn, có thể có các triệu chứng báo trước (thường là thị giác thay đổi, nhưng cũng có thể bao gồm các giác quan khác hoặc những vấn đề về ngôn ngữ và vận động) | Không có | Chảy nước mắt, mắt đỏ cùng bên với đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, xanh xao, ra mồ hôi; xụp mí mắt, đôi khi có rối loạn thần kinh, nhạy cảm với rượu. |
Đau đầu không phải đau nửa đầu migraine
Nguyên nhân
1. Đau đầu do căng cơ (Tension headache)
Triệu chứng
Triệu chứng đau đầu do căng cơ bao gồm:
- Cảm giác nặng hoặc siết chặt xung quanh cả hai bên đầu và cổ
- Đau nhẹ đến vừa nhưng ổn định và không đau nhói
- Đau không tăng lên khi hoạt động thể lực
- Đau có thể tăng hoặc giảm mức độ trong cơn đau đầu
- Có thể có đau, căng cơ ở các cơ vùng đầu, cổ, hoặc vai.
Bệnh nhân đau đầu do căng cơ thường cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng trước khi đau đầu. Không giống như chứng đau nửa đầu, đau đầu do căng cơ xảy ra mà không có các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh, hoặc triệu chứng báo trước. Tuy nhiên, một số người có các triệu chứng của cả hai đau đầu do căng cơ và đau nửa đầu.
2. Đau đầu từng cơn theo chu kỳ (Cluster headache)
Đau đầu từng cơn theo chu kỳ là đau đầu nặng nề và suy nhược xảy ra nhiều lần trong nhiều tuần đến nhiều tháng tại cùng một thời điểm trong năm, tiếp theo là khoảng thời gian không có đau đầu. Đau đầu từng cơn theo chu kỳ là tương đối ít phổ biến, dưới 1% của dân số mắc chứng đau đầu này. Đàn ông thường gặp nhiều hơn phụ nữ, thường khởi phát ở độ tuổi 25-50 tuổi.
Triệu chứng :
- Khởi phát một cách nhanh chóng mà không có dấu hiệu cảnh báo nào và đạt đỉnh trong vòng vài phút.
- Đau đầu thường là đau sâu, dữ dội, liên tục, và bùng nổ về cường độ, mặc dù đôi khi có thể đau theo nhịp mạch đập và đau nhói.
- Các cơn đau có thể xảy ra lên đến tám lần mỗi ngày, nhưng thường là trong khoảng thời gian ngắn (khoảng 15 phút và ba giờ).
- Cơn đau thường bắt đầu bên trong hoặc xung quanh một mắt hoặc một bên thái dương, ít phổ biến hơn là bắt đầu ở vùng mặt, cổ, tai, hoặc một bên đầu.
- Đau luôn chỉ một bên.
- Hầu hết người bị đau đầu từng cơn theo chu kỳ thường bồn chồn và có thể ngừng lại hoặc đung đưa người về phía trước và sau khi cơn đau xảy ra.
- Đau đầu từng cơn theo chu kỳ thường kèm theo mắt đỏ và chảy nước mắt ở bên đau, nghẹt mũi và chảy nước mũi, ra mồ hôi và da nhợt nhạt.
- Một số người nhạy cảm với ánh sáng ở mắt bên bị ảnh hưởng.
Đau đầu từng cơn theo chu kỳ có thể khởi phát ở bất kỳ lứa tuổi nào. Các thành viên trong gia đình của người bị đau đầu từng cơn theo chu kỳ thường cũng bị chứng đau đầu này. Sử dụng rượu, bia có thể gây khởi phát đau đầu từng cơn theo chu kỳ.
3. Đau đầu mạn tính hàng ngày
Một số người bị đau đầu rất thường xuyên, một số trường hợp hầu như ngày nào cũng đau. Khi đau đầu xuất hiện nhiều hơn 15 ngày trong một tháng trong ít nhất 3 tháng được xem như đau đầu mạn tính hàng ngày.
Đau đầu mạn tính hàng ngày thì không phải là một loại đau đầu nhưng là một nhóm bao gồm những đau đầu thường xuyên của nhiều loại khác nhau. Một số người bị đau đầu mạn tính hàng ngày do nguyên nhân cơ bản là đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng cơ. Chúng thường bắt đâu với thỉnh thoảng bị đau nửa đầu hoặc đau đầu do căng cơ, nhưng những cơn đau đầu trở nên thường xuyên hơn sau nhiều tháng hoặc hàng năm. Một số người có đau đầu thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau quá thường xuyên có thể dẫn đến “đau đầu do lạm dụng thuốc”.
Đau đầu do lạm dụng thuốc
Đau đầu do lạm dụng thuốc có thể xảy ra ở những người thường xuyên đau nửa đầu, đau đầu từng cơn theo chu kỳ, hoặc đau đầu do căng cơ, là những nguyên nhân khiến họ lạm dụng sử dụng thuốc giảm đau. Một vòng luẩn quẩn sẽ xuất hiện khi đau đầu thường xuyên là nguyên nhân khiến cho một người sử dụng thuốc thường xuyên (thường là những thuốc mua không cần toa thuốc), điều này gây nên một đau đầu dội lại khi hết thuốc, dẫn đến việc sử dụng thêm thuốc và cứ thế tiếp tục vòng luẩn quẩn.
Lạm dụng bất kỳ số lượng thuốc giảm đau nào đều có thể tăng nguy cơ bị đau đầu do lạm dụng thuốc. Để tránh bị đau đầu do lạm dụng thuốc, chúng tôi khuyến cáo:
- Nếu có thể, tránh hoàn toàn việc sử dụng các hợp chất chứa Barbiturate (Fiorinal®, Fioricet®, Esgic®) và thuốc giảm đau gây nghiện.
- Không sử dụng kéo dài nhóm Triptans (Imitrex® và các thuốc khác) hoặc hợp chất của aspirin/ acetaminophen/ caffeine trên 9 ngày trong 1 tháng.
- Không sử dụng thuốc nhóm kháng viêm không corticoid (NSAIDs : ibuprofen, Advil, Motrin, aspirin )kéo dài trên 15 ngày trong 1 tháng.
- Không sử dụng acetaminophen (Tylenol®, efferalgan®, panadol ®nhiều hơn 2 lần trong 1 tuần.
4. Các loại đau đầu khác
Có nhiều nguyên nhân khác gây đau đầu.
Đau đầu do viêm xoang
- Đau đầu tái phát có liên quan đến viêm xoang là không phổ biến. Rất nhiều người nếu không nói là hầu hết người được chẩn đoán là đau đầu do viêm xoang thực chất bị đau nửa đầu.
- Đau đầu có liên quan đến bệnh cảnh của xoang thường kéo dài vài ngày (không giống một đau nửa đầu điển hình) và không gây buồn nôn, nôn, hoặc nhạy cảm với tiếng ồn hoặc ánh sáng (như gặp trong đau nửa đầu).
Đau đầu sau chấn thương
- Đau đầu xảy ra trong vòng 1 đến 2 ngày sau chấn thương đầu khá phổ biến. Hầu hết mọi người mô tả một đau đầu âm ỉ khắp cả đâù, liên tục thỉnh thoảng đau nhiều hơn. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: chóng mặ (cảm giác quay cuồng), thiếu suy nghĩ, khó tập trung, giảm trí nhớ, trở nên nhanh chóng mệt mỏi và dễ bị kích động.
- Đau đầu sau chấn thương có thể kéo dài tới vài tháng, tuy nhiên nếu một người bị đau đầu mà không có cải thiện trong vòng 1 tuần hoặc 2 tuần sau sang chấn nên được kiểm tra.
Chẩn đoán đau đầu
Các chuyên gia về điều trị đau thường dựa trên những mô tả của bệnh nhân về cơn đau đầu của họ kết hợp với thăm khám lâm sàn để quyết định loại đau đầu của bệnh nhân. Một số người có thể có nhiều hơn 1 loại đau đầu.
Hầu hết mọi người không cần chụp X-quang hoặc chẩn đoán hình ảnh. Một phim CT hoặc cộng hưởng từ có thể được khuyến cáo trong các trường hợp, ví dụ: nếu các triệu chứng hiếm gặp, hoặc nếu có các dấu hiệu nguy hiểm, hoặc nếu có các bất thường khi thăm khám. Các lý do khác cho chụp não bao gồm:
- Đau đầu càng ngày càng trầm trọng mặc dù được điều trị
- Một thay đổi đột ngột các triệu chứng đau đầu
- Các dấu hiệu hoặc các triệu chứng gợi ý một tình trạng bệnh lý khác có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Các dấu hiệu nguy hiểm của đau đầu
Hầu hết các loại đau đầu không nguy hiểm đến tính mạng. Bạn nên đi khám bác sĩ ngay nếu đau đầu của bạn có biểu hiện sau:
- Xuất hiện đột ngột, trở nên nặng hơn trong vòng vài giây hoặc vài phút, hoặc có thể được mô tả như “một đau đầu dữ dội nhất trong cuộc đời của bạn”.
- Đau đầu dữ dội và xuất hiện kèm theo sốt hoặc cứng cổ
- Kèm theo co giật, thay đổi tính nết, lú lẫn, hoặc ngất xỉu.
- Xuất hiện nhanh chóng sau tập thể dục gắng sức hoặc một chấn thương nhẹ
- Đau đầu mới xảy ra kèm theo với yếu, tê bì, hoặc khó nhìn. Trong khi đau nửa đầu cũng có thể đôi khi gây nên những triệu chứng này, bạn nên được kiểm tra khẩn cấp trong lần đầu tiên các triếu chứng này xuất hiện.
Nếu bạn bị đau đầu dai dẳng hoặc thường xuyên, mà cơn đau cản trở các hoạt động bình thường hoặc đau đầu trở nên nặng nề hơn, bạn nên đặt lịch khám bác sĩ.
Đau đầu và khối u não
Đau đầu xuất hiện trên khoảng 50 % người bị u não. Tuy nhiên, đau đầu là rất phổ biến và u não là rất hiếm trên những người được kiểm tra về bệnh đau đầu. Nhiều người bị u não có đau đầu mạn tính, đau đầu nhiều hơn khi cúi về phía trước hoặc kèm theo nôn và buồn nôn, mặc dù các triệu chứng này có thể cũng xuất hiện trong các loại đau đầu không liên quan tới u não.
ĐIỀU TRỊ ĐAU ĐẦU
Các phương pháp điều trị đau đầu
Điều trị đau đầu phụ thuộc vào tần số, mức độ đau, và các triệu chứng kèm theo của đau đầu
- Điều trị cấp tính liên quan đến thuốc sử dụng khi bạn bị đau đầu để làm giảm cơn đau ngay lập tức.
- Điều trị dự phòng liên quan đến thuốc bạn sử dụng thường xuyên (thường là hàng ngày) để đề phòng đau đầu xuất hiện.
1. ĐIỀU TRỊ ĐAU ĐẦU DO CĂNG CƠ
Điều trị cấp tính: đau đầu do căng cơ xảy ra dưới 15 lần trong 1 tháng có thể được điều trị bằng thuốc giảm đau.
Thuốc giảm đau: Một thuốc giảm đau có thể được khuyên dùng đầu tiên cho điều trị đau đầu do căng cơ. Những thuốc nay bao gồm:
- Aspirin
- Acetaminophen
- NSAIDs như : Ibuprofen, Arcoxia
Không nên sử dụng quá thường xuyên các thuốc giảm đau bởi vì sẽ lạm dụng thuốc có thể dẫn đến chứng đau đầu do lạm dụng thuốc hoặc đau đầu mạn tính hàng ngày. Nếu bạn đáp ứng với loại thuốc giảm đau nào, bạn nên tiếp tục sử dụng loại thuốc đó khi đau đầu. Tuy nhiên:
- Không sử dụng thuốc giảm đau nhiều hơn bình quân 9 ngày trong 1 tháng, hoặc nhiều hơn 2 liều trong 1 cơn đau đầu.
- Nếu 1 thuốc giảm đau không kiểm soát được đau đầu của bạn, hãy đến gặp bác sĩ để có lời khuyên.
Những người bị đau dạ dày, viêm loét dạ dày, bệnh thận, hoặc có tình trạng chảy máu không nên sử dụng thuốc Aspirin hoặc thuốc nhóm NSAIDs.
Các thuốc giảm đau kết hợp
– Các thuốc giảm đau nhẹ thường có dạng kết hợp với Caffeine để làm tăng tác dụng của thuốc. Ví dụ như thuốc Panadol extra chứa hợp chất của acetaminophen và caffeine. Hợp chất này có thể được khuyên dùng nếu 1 thuốc giảm đau đơn thuần không đủ để giảm đau. Tuy nhiên, khuyến cáo là không được dùng hợp chất này kéo dài hơn 9 ngày trong 1 tháng do nguy cơ của đau đầu do lạm dụng thuốc.
Các thuốc hợp chất chứa Barbirturate và Opioids
– Một tỷ lệ nhỏ người bị đau đầu không đáp ứng với các điều trị thông thường và có thể đòi hỏi thêm các thuốc phải kê đơn khác. Có các thuốc kết hợp giữa Opioids (thuốc giảm đau gây nghiện) và 1 thuốc giảm đau thông thường, nhưng thường không được khuyên dùng vì chúng có thể gây lệ thuộc vào thuốc và tăng nguy cơ bị đau đầu do lạm dụng thuốc hoặc đau đầu mạn tính hàng ngày. Mặc dù vậy những thuốc này có thể cân nhắc trong những trường hợp đặc biệt khi các thuốc giảm đau thông thường khác không có tác dụng hoặc chống chỉ định (ví dụ: sản phụ ở giai đoạn 3 của thai kỳ, bệnh nhân bị viêm loét dạ dày, suy thận nặng hoặc suy gan nặng). Khi bác sĩ có những bệnh nhân đang sử dụng thuốc Opioids hoặc Barbiturate không phù hợp, có thể sử dụng một chính sách “dừng hoặc tạm dừng” thuốc này. Những thuốc này sẽ được hoặc dừng hẳn hoặc giảm tần số sử dụng bằng cách hạn chế sử dụng dưới 2 ngày trong 1 tuần và 18 viên trong 1 tháng.
Điều trị dự phòng.
Điều trị dự phòng được khuyến cáo trên những bệnh nhân bị đau đầu nhiều hơn 2 đến 3 lần một tuần.
– Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm (TCAs) thường được dùng để dự phòng đau đầu do căng cơ thường xuyên. Các thuốc TCAs bao gồm Amitriptyline (sử dụng phổ biến nhất), nortriptyline, and protriptyline.
Liều của thuốc chống trầm cảm sử dụng cho bệnh nhân đau đầu thường thấp hơn nhiều so với điều trị bệnh nhân trầm cảm. Những thuốc này được cho là giảm cảm nhận đau khi được dùng ở liều thấp, mặc dù cơ chế của thuốc còn chưa rõ ràng.
Thường cảm thấy mệt mỏi khi bạn bắt đầu sử dụng thuốc TCAs, điều này không phải luôn luôn là tác dụng không mong muốn vì nó giúp cải thiện giấc ngủ nếu bạn uống thuốc vào buổi tối. Thuốc thường bắt đầu bằng liều thấp và tăng từ từ. Tác dụng đầy đủ có thể không đạt được sau vài tuần đến vài tháng.
Các phương pháp điều trị khác
– Các thuốc chống trầm cảm đôi khi được dùng kết hợp với biện pháp thay đổi hành vi để phòng ngừa đau đầu do căng cơ. Mục đích của biện pháp thay đổi hành vi là nhận định và thử tránh các hành vi mà có thể làm khởi phát cơn đau đầu (xem mục “thay đổi cách sống” ở phía dưới)
2. ĐIỀU TRỊ ĐAU ĐẦU MẠN TÍNH HÀNG NGÀY
Việc kiểm soát đau đầu mạn tính hàng ngày phụ thuộc vào loại đau đầu nền gây nên (Ví dụ: đau nửa đầu mạn tính hoặc đau đầu do căng cơ mạn tính) và có hoặc không có sự lạm dụng thuốc.
Điều trị đau nửa đầu mạn tính: Nên tập trung vào điều trị dự phòng, tránh các yếu tố khởi phát đau nửa đầu và hạn chế sử dụng thuốc giảm đau cấp tính để tránh nguy cơ bị đau đầu do lạm dụng thuốc. Các biện pháp điều trị dự phòng bao gồm: thuốc, liệu pháp thay đổi hành vi, các bài tập thể dục. Việc điều trị thường đòi hỏi thực hiện đồng thời tất cả các biện pháp này.
Đối với đau đầu do căng cơ: Điều trị hiệu quả bao gồm việc sử dụng các thuốc dự phòng hàng ngày (ví dụ: thuốc chống trầm cảm), liệu pháp thay đổi hành vi và các bài tập thể dục. Giống như đau nửa đầu mạn tính, sử dụng kết hợp các biện pháp này thường là tốt nhất.
Với đau đầu do lạm dụng thuốc: Các bước cơ bản là giáo dục bệnh nhân, dừng việc lạm dụng thuốc, biện pháp bắc cầu với mục đích điều trị đau đầu khi bệnh nhân cai thuốc, thiết lập một chương trình điều trị đau đầu phù hợp cho loại đau đầu nền và các biện pháp đề phòng tái phát.
3. ĐIỀU TRỊ ĐAU ĐẦU TỪNG CƠN THEO CHU KỲ
Hầu hết người bị đau đầu từng cơn theo chu kỳ sẽ cần cả thuốc điều trị cấp tính và thuốc điều trị dự phòng.
Điều trị cấp tính:
Bao gồm 1 hoặc nhiều hơn các biện pháp sau:
- Thở 100 % oxy bằng mask trong 20 phút. Liệu pháp oxy thường được chỉ định đầu tiên bởi vì ít tác dụng phụ.
- Thuốc gốc triptans được dùng để điều trị chứng đau nửa đầu. Thuốc gốc triptans (đặc biệt là loại tiêm Sumatriptan) có thể chặn đứng đau đầu từng cơn theo chu kỳ, thường trong vòng 20-30 phút. Nếu bạn không thể tự tiêm thuốc, bạn có thể chọn thuốc dạng hít (xịt vào mũi) Sumatriptan hoặc Zolmitriptan.
Nếu kể cả liệu pháp oxy và thuốc chống trầm cảm đều không hiệu quả, các lựa chọn thay thế bao gồm Octreotide (đang tiêm ), Lidocaine (dạng dung dịch xịt vào mũi), và Ergotamine (một viên ngậm dưới lưỡi)
Điều trị dự phòng:
Liệu pháp dự phòng thường bắt đầu ngay khi có thể và dùng hàng ngày khi một đau đầu cơn theo chu kỳ mới bắt đầu xuất hiện. Một số người đòi hỏi sự kết hợp của nhiều thuốc. Các thuốc điều trị dự phòng có thể dần dần ngừng lại sau khi hết đau đầu từng cơn theo chu kỳ, nhưng có thể phải dùng lại khi tái xuất hiện triệu chứng. Các thuốc được nghiên cứu nhiều nhất bao gồm:
- Verapamil, thuốc chẹn kênh canxi, là thuốc viên nén có hiệu quả và ít tác dụng phụ. Liều thuốc có thể tăng từ từ nếu cần
- Thuốc glucocorticoid (prednisolone) dạng viên nén cũng là thuốc điều trị dự phòng hiệu quả. Tuy nhiên việc sử dụng kéo dài thuốc glucocorticoid không được khuyến cáo vì nguy cơ của tác dụng phụ
Các biện pháp hỗ trợ điều trị đau đầu
Nhiều biện pháp có thể được sử dụng kết hợp với điều trị thuốc cho bệnh nhân bị đau đầu:
Thay đổi lối sống
Một vài điều chỉnh lối sống đơn giản có thể giúp giảm tần số xuất hiện đau đầu. Bao gồm:
- Ngừng hút thuốc
- Giảm lượng rượu bia sử dụng
- Giảm hoặc ngưng caffeine
- Ăn ngủ điều độ
- Tập thể dục đều đặn vài lần một tuần
Vật lý trị liệu
Một số người bị đau đầu thường xuyên có thể cải thiện với các biện pháp vật lí trị liệu. Biện pháp này có thể được sử dụng nếu bạn không đáp ứng hoặc đáp ứng ít hoặc tạm thời với thuốc, hoặc khi bạn không thể sử dụng thuốc (ví dụ: phụ nữ mang thai hoặc cho con bú).
Tư vấn với bác sĩ điều trị đau để chọn lựa liệu pháp VLTL phù hợp với bạn
Liệu pháp “kim khô”
Là một kỹ thuật an toàn của y học phương tây ( Y học hiện đại) khi sử dụng kim châm cứu để giảm bớt sự căng của dải cơ ở một cơ hoạt động quá mức. Kim nhỏ được đưa qua da và cơ nhằm vào những “điểm kích thích co cơ”
Những điểm kích thích co cơ này được chứng minh là một nguồn gốc gây đau tại chỗ, đau lan và hạn chế vận động. Những điểm kích thích co cơ thường được tạo nên do việc lạm dụng thuốc, căng thẳng, sai tư thế hoặc như là một đáp ứng khi bị thương. Một ví dụ rất phổ biến của đau do điểm kích thích co cơ là đau đầu dữ dội do căng cơ.
Bạn có biết rằng đau đầu thường được gây ra bởi đau lan của các điểm kích thích co cơ ở cổ và cơ vai trên. Hình ảnh trên là một ví dụ của kiểu đau (màu đỏ) gây ra bởi 1 điểm kích thích co cơ (kí hiệu chữ X)
Biện pháp kim khô có hiệu quả như thế nào?
Có thể đơn giản hóa vấn đề như sau: khi 1 kim được chích vào điểm kích thích co cơ, một đáp ứng “giật” làm cho dải cơ bị thắt chặt giãn ra. Điều này thường có hiệu quả tích cực ngay lập tức lên vận động và chức năng.
Cefaly :
Công nghệ mới – là một biện pháp không sử dụng thuốc cho đau đầu và đau nửa đầu
Liệu pháp hành vi:
Đau đầu có thể bị khởi phát hoặc làm nặng thêm bởi căng thẳng, lo lắng, trầm cảm, và các yếu tố tâm lý khác. Hơn nữa, đau đầu có thể gây nên những khó khăn trong các mối quan hệ, ở nơi làm việc hoặc trường học và với cuộc sống thường ngày nói chung.
Liệu pháp hành vi giúp bạn đối diện dễ dàng hơn với sự căng thẳng, giận dữ, hoặc chán chường thất vọng, là những vấn đề có thể gặp với đau đầu thường xuyên hoặc đau đầu mạn tính hàng ngày. Có nhiều loại biện pháp hành vi:
- Tâm lý học: Bao gồm việc gặp gỡ các nhà tâm lý học, tâm thần học, hoặc các nhân viên hoạt động xã hội để trao đổi về các thay đổi về cảm xúc khi bị đau đầu mạn tính, những thành công của điều trị hoặc thất bại, và/ hoặc các mối quan hệ cá nhân.
- Tâm lý liệu pháp theo nhóm : Cho phép bạn trao dồi những kinh nghiệm của bạn về đau đầu, cách vượt qua hội chứng cai và trở nên hết đau đầu, cũng như cùng nhau vượt qua các cơn đau.
- Các biện pháp thư giãn : Có thể giúp làm dãn các cơ căng, có thể bao gồm ngồi thiền, dãn cơ từ từ, tự thôi miên và liệu pháp đáp ứng sinh học. Liệu pháp đáp ứng sinh học có thể đặc biệt hữu ích cho những người bị đau đầu mạn tính do căng cơ.
- Các bài tập rèn luyện kỹ năng theo nhóm: Giúp bạn học cách sống cùng với đau, bao gồm các cách để cải thiện các mối quan hệ và tạo dựng sức mạnh, các cách tránh những suy nghĩ tiêu cực và học cách xử trí với những cơn đau.
Liệu pháp thảo dược và cân bằng vi lượng-: Một số các biện pháp cân bằng vi lượng được dùng để điều trị và dự phòng đau đầu kể cả đau nửa đầu.